Bạn có biết “ Nước chiếm 60 – 70% trọng lượng cơ thể, chiếm 92% tổng khối lượng máu, nếu thiếu có thể gây rối loạn sự sống và dẫn đến tử vong trong vòng 24h”.
Đó là một trong vài con số rất tổng quát liên quan đến hàm lượng “Nước” trong cơ thể con người. Nước là tài nguyên vô cùng quý giá đối với sự sống trên Trái Đất. Theo UNDP, hiện nay có khoảng 1,1 tỷ người trên thế giới không có nước sạch để dùng, chủ yếu là người dân ở các nước đang phát triển. Các bệnh từ nguồn nước như tiêu chảy có thể khiến nhiều người thiệt mạng hơn so với số người chết vì bệnh HIV/AIDS và sốt rét cộng lại. Đây thực sự là những số liệu rất đáng báo động.
Nước là khái niệm rất quen thuộc trong đời sống hằng ngày và được đề cập rất nhiều trong các bộ môn khoa học. Hóa học cùng các môn học khác đã đi sâu tìm hiểu bản chất, cấu tạo, vai trò… của nước để từ đó vận dụng trong nghiên cứu khoa học cũng như các lĩnh vực khác như nông nghiệp, y học, năng lượng…Cuộc sống con người ngày càng được nâng cao thì vấn đề về nước càng được quan tâm.
Trong chương trình học, những kiến thức về nước được nhắc đến trong các môn Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân…làm cho việc tiếp thu kiến thức của học sinh có sự trùng lặp, không liền mạch. Vì vậy, học sinh gặp khó khăn trong việc vận dụng kiến thức được học để giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
Do đó, việc tích hợp các nội dung từ các môn thành chủ đề “Nước tài nguyên quý giá của sự sống” vừa tạo được sự logic, kết nối các nội dung kiến thức với nhau, vừa giúp học sinh thấy được tầm quan trọng của nước đối với cuộc sống con người, đặc biệt là khi cuộc sống ngày càng hiện đại, đồng thời tạo hứng thú học tập, lòng say mê, yêu thích khoa học cho học sinh.